Lo lắng khi kỳ thi IELTS sắp tới có thể tác động tiêu cực đến điểm số của bạn. Trong bài viết này, Bee English Community sẽ mách bạn những cách giúp “đánh bay” nỗi sợ phòng thi để tự tin chinh phục band điểm mơ ước!
1. Những lý do hình thành nỗi sợ phòng thi
1.1 Lạ lẫm với môi trường căng thẳng
Môi trường học tập tại nhà có nhiều sự khác biệt với phòng thi. Nếu như tại nhà bạn có thể ôn tập một cách thoải mái với những list nhạc yêu thích, căn phòng quen thuộc thì phòng thi sẽ mang nhiều áp lực hơn dựa vào tính chất quan trọng của kì thi đó.
Môi trường lạ lẫm và khó đoán bởi những yếu tố bên ngoài như giám thị trong phòng thi có thể khiến bạn trở nên căng thẳng, lo lắng tột độ. Để cảm xúc lấn át lý trí càng nâng cao khả năng não bộ rơi vào trạng thái đóng băng dẫn đến quên hết bài học.
Áp lực phòng thi có thể khiến bạn mất tập trung khi làm bài
1.2 Nạp nhiều kiến thức trong thời gian ngắn
“Nước đến chân mới nhảy” là hiện tượng không còn quá xa lạ với các sĩ tử mùa thi. Nhồi nhét khối lượng thông tin khổng lồ trong thời gian ngắn sẽ khiến não bộ kiệt sức bởi não chỉ có thể tiếp nhận lượng kiến thức nhất định. Đây cũng là nguyên do khiến kiến thức cứ “rơi rớt” trong phòng thi.
Điều đó dẫn đến cảm giác lo sợ bản thân không đủ kiến thức để làm bài. Não bộ cũng vì sự hoảng loạn ấy mà khiến các thông tin tiếp nhận một cách lộn xộn, chồng chéo làm bạn khó ghi nhớ hoặc nhớ không chính xác.
Càng nhồi nhét kiến thức trong thời gian gấp rút càng dễ quên
1.3 Không đủ tự tin
Có phải dù bạn đã ôn tập kỹ lưỡng trong một thời gian dài nhưng vẫn luôn thấy lo lắng khi ở trong phòng thi? Vậy nỗi lo ấy bắt nguồn từ đâu?
Đó là từ những câu nói dai dằng trong đầu của bạn: “Nhỡ đề khó mình không làm được bài thì sao?”, “Mình sợ bị điểm kém và thất bại”. Bởi sự thiếu tin tưởng vào bản thân khiến bạn chật vật và mất nhiều thời gian để phát huy hết khả năng của mình. Điều này sẽ dẫn đến sự thất vọng và tiếc nuối vì đã để sự tự ti vào năng lực của mình ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng.
2. Cách vượt qua “bệnh run” trong phòng thi
2.1 Tự tạo môi trường phòng thi
Để “đập tan” nỗi sợ phòng thi, bạn có thể thiết kế môi trường ôn luyện như thi thật tại nhà. Chẳng hạn bạn ngồi trong phòng tĩnh, bấm đồng hồ và làm bài IELTS như thi thật. Sau khi được tôi luyện, não bộ đã làm quen với áp lực thời gian giúp bạn hạn chế việc bỡ ngỡ với không khí phòng thi.
Bình tĩnh sẽ cho bạn một tâm trạng tốt nhất để làm chủ bài thi. Dù đang luyện tập hay thi thật thì bạn hãy cố gắng làm bài với tốc độ đều, đọc kĩ yêu cầu của đề và tránh dành quá nhiều thời gian cho câu hỏi khó.
2.2 Xây dựng kế hoạch học hiệu quả
Một kết quả xứng đáng cần cả một quá trình học tập. Đừng để thời gian thư thả khiến bạn lơ là để rồi đến phút cuối mới lo lắng ôn tập. Thay vì đó hãy bắt đầu xây dựng cho mình một kế hoạch học tập phù hợp.
Bạn nên lên kế hoạch cho từng giai đoạn: học chắc ngữ pháp và từ vựng, thuần thục từng dạng bài và luyện đề. Khi có một chiến lược ôn luyện liên tục và hiệu quả bạn sẽ nắm vững các kiến thức quan trọng và nhiều thời gian để luyện đề thực chiến để nâng cao kỹ năng làm bài của 4 kỹ năng.
Có kế hoạch học tập chi tiết giúp bạn tiết kiệm thời gian và nắm vững kiến thức
2.3 Cổ vũ bản thân
Trong những thời điểm quan trọng như vậy bạn đừng nên quá đặt nặng áp lực cho bản thân. Thay vào đó bạn có thể liên tục cổ vũ bản thân bằng những suy nghĩ tích cực như “Mình sẽ làm được!”. Bạn nên nhớ rằng dù kết quả có như thế nào thì đó cũng là một cơ hội để bạn phát triển bản thân miễn rằng bạn đã cố gắng hết mình và sẵn sàng khắc phục những lỗi sai.
Sát ngày thi hãy cho tâm trí được thả lỏng để có thể phát huy hết khả năng bằng cách có chế độ sinh hoạt lành mạnh, tập hít thở sâu, hưởng thụ những thứ bạn thích và tin tưởng vào bản thân.
3. Kết luận
Ngoài việc nắm vững kiến thức, vượt qua nỗi sợ phòng thi là vô cùng cần thiết để quá trình làm bài diễn ra thuận lợi. Cho dù nỗi sợ ấy có thể không hết hoàn toàn nhưng chỉ cần bạn chủ động khắc phục thì bạn sẽ dễ dàng làm chủ được cảm xúc.