Vì vậy, phần 3 của chuỗi bài “tự học tiếng Anh” sẽ là nơi mình nỗ lực tổng hợp lại một bức tranh toàn cảnh nhất có thể về việc học tiếng Anh cho các bạn không cần đi thi các kỳ thi lấy chứng chỉ, nhưng vẫn muốn túc tắc học tiếng Anh, cải thiện tiếng Anh, và sử dụng tiếng Anh với mục đích trong công việc và cuộc sống.
1. Tự học Ngữ pháp
Ngữ pháp giống như khung xương của một ngôn ngữ. Để có thể sử dụng được một ngôn ngữ một cách chủ động và linh hoạt, không đơn thuần chỉ là hiểu một cách thụ động, thì ngữ pháp là nền móng cần được củng cố vững chắc. Ngữ pháp gồm có rất nhiều yếu tố cấu thành.
Tuy nhiên, những phần cơ bản thường gặp mà ai cũng cần tìm hiểu bao gồm một số chủ đề như: thì/thời trong tiếng Anh; các loại từ (ví dụ: danh từ/động từ/tính từ/trạng từ); các loại câu/cấu trúc câu (ví dụ: câu điều kiện, câu ước, v.v.); và rất nhiều quy tắc/chủ đề khác (ví dụ: quy tắc sử dụng giới từ; mạo từ; v.v.). Ở phần này, mình đặc biệt lưu ý đến 2 vấn đề bao gồm: cấu trúc và cách sử dụng.
Lộ trình & phương pháp
Thường khi nhắc đế ngữ pháp, mọi người chỉ nghĩ tới việc phải học thuộc làu hết các công thức. Tất nhiên, học ngữ pháp đồng nghĩa với việc phải ghi nhớ rất nhiều. Nhưng để ghi nhớ một cách “tự nhiên” và bền vững nhất thì cần phải hiểu được cách sử dụng (tại sao lại dùng cấu trúc đó mà không phải cấu trúc khác trong một văn cảnh cụ thể?).
Ví dụ: khi học các thì trong tiếng Anh, mình hay sử dụng cách liên tưởng theo trục thời gian để kết nối các thì với nhau, hiểu được bản chất của từng thì một trước khi xem và nhớ cấu trúc của mỗi thì. Hình bên dưới là một ví dụ để có thể giúp mình có một bức tranh tổng quát về các thì cơ bản, chia nhóm các thì ra theo thực tế các mốc thời gian trong cuộc sống của chúng ta: quá khứ, hiện tại, tương lai. Từ đó, mình vận dụng để phát triển thành một bảng ghi nhớ cho bản thân, kèm theo các công thức cần nhớ cho mỗi thì:
Sau khi đã có được bức tranh tổng quát về những gì mình cần học về ngữ pháp, hoặc một chủ đề cụ thể của ngữ pháp, hãy hỏi bản thân một câu đơn giản thôi: bây giờ nếu mình muốn viết/nói được một câu để diễn đạt một ý nhất định thì mình sẽ cần những thành phần gì? Và sẽ áp dụng khía cạnh ngữ pháp mình đang học như thế nào?
Làm thật nhiều các bài tập ngữ pháp theo chủ đề, với mỗi câu hỏi dù mình làm đúng hay sai thì cũng phải xem xét thật kỹ TẠI SAO đúng hoặc sai. Ví dụ: tại sao mình dùng hiện tại đơn để nói một câu nào đó mà không phải hiện tại tiếp diễn? Tại sao mình dùng cấu trúc A mà không dùng cấu trúc B?
Công cụ: cẩm nang “English Grammar in Use”
Tài liệu để học ngữ pháp không hề thiếu, nhưng với bất kỳ ai muốn học ngữ pháp mình đều gợi ý sử dụng “English Grammar in Use”—là quyển sách gối đầu giường. Hãy bắt đầu từ cuốn này vì sách có chia theo chủ đề ngữ pháp, sau mỗi phần lại có bài tập để thực hành luôn. Thế thôi không cần mua nhiều sách về grammar quá đâu. Ngoài ra các bạn có thể vận dụng linh hoạt việc đọc một tài liệu tiếng Anh từ đó học cách sử dụng ngữ pháp/sử dụng cấu trúc câu trong một văn cảnh cụ thể. Nhìn vào một đoạn văn bạn có thể phân tích được các cấu trúc câu họ sử dụng không? Có thể phân tích được thành phần ngữ pháp của một câu bất kỳ trong đoạn văn đó hay không?
2. Tự học Từ vựng
Lộ trình & phương pháp & công cụ (viết lẫn luôn vì nếu tách thì hơi bị lặp)
Đừng tốn tiền mua những thứ “fancy” như là bộ thẻ học từ, vân vân và mây mây (nhìn thì đẹp nhưng phủ bụi trên giá sách cũng rất nhanh). Hãy bắt đầu với một cuốn từ điển tốt để học từ vựng. Mình khuyên các bạn nên chọn mua một cuốn từ điển Anh-Anh thật tốt, nếu bạn nào chưa dùng Anh-Anh được ngay thì có thể sắm thêm một quyển Anh-Việt (hoặc là dùng từ điển điện tử Anh-Việt, tải app cho tiết kiệm để hỗ trợ việc tra nghĩa khi đọc từ điển Anh-Anh).
Cách dùng từ điển cho đúng và hiệu quả: đừng bao giờ sai lầm ở chuyện chỉ dùng từ điển để tìm nghĩa của từ (hầu hết mọi người chỉ chăm chăm nhìn xem nghĩa từ A là gì trong tiếng Việt rồi thôi). Trên thực tế, từ điển có thể cho bạn những thông tin cần thiết sau:
-
Phát âm của từ (được ký hiệu bằng phonetic symbols—ký hiệu ngữ âm quốc tế. Phát âm là phương diện cực kỳ quan trọng để giúp bạn nghe và nói tốt (mình sẽ viết chi tiết ở phần Nghe và Đọc bên dưới).
-
Nghĩa của từ (và loại từ luôn: danh/động/tính/trạng)
-
Ví dụ/hoặc cách sử dụng (tùy vào mức độ chi tiết của từ điển bạn có).
Một số từ điển còn có thêm các chú thích như mức độ phổ biến của từ đó trong đời sống: rất phổ biến (nằm trong 3000 từ thông dụng); khá phổ biến; hiếm gặp; v.v.
Như vậy, với một cuốn từ điển tốt, bạn có thể học được đầy đủ khía cạnh của từ vựng. Từ đó, tổng hợp từ vựng theo trường từ vựng (cùng chủ đề) và vận dụng nó để kết hợp với cấu trúc ngữ pháp bạn đã tổng hợp được => tạo thành một câu. Qua thời gian, vốn từ vựng của bạn sẽ tăng dần nếu bạn chăm chỉ nghe và đọc.
Vậy là đã xong 2 phần cơ bản (1) ngữ pháp và (2) từ vựng để làm nền cho việc bạn cải thiện 4 kỹ năng. Dựa trên hai phần (1) và (2), khi nhìn vào 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, thì các bạn sẽ nhận thấy rằng nghe và đọc là dạng kỹ năng thụ động (dễ luyện một mình, và cũng là cặp kỹ năng ít bị mọi người sợ hơn); còn nói và viết là dạng kỹ năng chủ động (khó để luyện hơn, hành trình vì thế gian nan hơn). Tuy nhiên, ở đây mình sẽ ghép thành 2 cặp kỹ năng, ở mỗi cặp sẽ gồm một kỹ năng thụ động và một kỹ năng chủ động, tương hỗ lẫn nhau.
3.Tự học Nghe – Nói
Lộ trình & phương pháp
Bắt đầu với ký hiệu ngữ âm (phonetic symbols, mình đã đề cập ở phần nói về từ điển bên trên). Nó giống như học đánh vần trong tiếng Việt (dù chả giống lắm nhưng nói ví dụ thế cho dễ hình dung nhé). Ký hiệu ngữ âm giúp bạn biết cách tự phát âm một từ khi nhìn vào từ điển, tạo gốc chắc cho việc luyện phát âm. Nhấn trọng âm của từ có nhiều hơn một âm tiết cũng rất quan trọng, vì nó sẽ góp phần tạo nên ngữ điệu bên cạnh ngữ điệu chung của cả câu mà bạn nói ra (câu hỏi, câu khẳng định, hay câu cảm thán).
Khi làm quen được với ký hiệu ngữ âm, khẩu hình phát âm cho mỗi âm, bạn sẽ tăng được khả năng nghe của mình lên vì bạn đã có được một nhận định đúng về phát âm của từ. Vì vậy, mình mới nói là học ngữ nghĩa và phát âm cần song song với nhau ở phần (2) từ vựng.
Công cụ:
-
Tận dụng các bài nghe/mẩu tin/videos bạn thích trên Youtube bằng tiếng Anh để tạo cho bạn cảm giác “exposed” với ngôn ngữ này (chưa cần hiểu cũng ok); nghe đến lúc nào hiểu thì sẽ cảm thấy rất sướng đó.
-
Nghe nhạc: cái này phải nhấn mạnh rằng nên nghe những bài nhạc đơn giản, RÕ LỜI (chứ không thì mải nghe nhạc quá rồi phiêu thì không có tác dụng). Ví dụ: một bài đơn giản như “Everyday I Love You” của Boyzone nè, cực kỳ dễ nghe, có thể nghe lại nhiều lần đến khi thuộc lời thì hát cho người yêu/vợ/chồng nghe cũng ok (hehe).
-
Level cao hơn nữa thì mình luyện nói với người bản xứ hoặc với các bạn tốt tiếng Anh trong lớp học/câu lạc bộ một cách thường xuyên; nếu có bạn là người bản xứ thì mạnh dạn nhờ bạn sửa phát âm và cách diễn đạt khi nói cho mình, và học cách diễn đạt/nói từ bạn. Cách này thì kết hợp luyện nghe và nói cùng lúc luôn đó. Tự tin hỏi, tự tin sửa sai nhé.
4.Tự học Đọc – Viết:
Lộ trình & phương pháp & công cụ
Đọc thật nhiều và viết thật nhiều là chìa khóa của việc thành công trong hai kỹ năng này. Nếu bạn nghĩ lại từ đầu bài viết đến bây giờ, thì bạn sẽ thấy chúng ta đã gom nhặt đủ tất cả các thành phần từ nhỏ đến lớn để có thể đọc hiểu và viết một cách hiệu quả:
Học ngữ pháp chắc + học cách dùng từ => xây dựng hiểu biết để đọc hiểu => học cách diễn đạt một ý bằng nhiều cách từ các bài đọc => vận dụng vào việc viết bài của mình.
Đọc hiểu thì hãy chắc chắn là đọc và HIỂU. Khi đọc mà không hiểu một từ nhưng hiểu ngữ cảnh thì có thể nhìn nhận được nghĩa của cả câu, hoặc cả đoạn, sau đó hãy đi tra từ (quay lại vận dụng cách dùng từ điển hiệu quả mình đã nêu bên trên nhé). Sau đó kiên trì thì sẽ đọc tốt thôi.
XEM CÁC KHÓA HỌC FOllow us here