1. VÌ SAO TIẾNG ANH LÀ NGÔN NGỮ QUỐC TẾ
Hẳn bạn sẽ thắc mắc giữa hàng trăm ngôn ngữ trên thế giới, tiếng Pháp sang trọng và đầy chất thơ, Hán ngữ với nét chữ tượng hình độc đáo, đầy tính biểu tượng với gần 1,4 tỷ người dùng, tiếng Nga ngọt ngào, hùng tráng hay Tiếng Việt với sức biểu đạt phong phú, tiếng Anh lại được chọn làm ngôn ngữ quốc tế.
Vì thế giới đa dạng ngôn ngữ, nên cần một ngôn ngữ trong sáng, vững vàng làm nền tảng. Tiếng Anh có hệ thống ngữ pháp rất chặt chẽ, hạn chế việc hiểu sai ý hay hiện tượng đa nghĩa. Bên cạnh đó, tiếng Anh có hơn 170.000 từ vựng, chưa kể gần 50.000 từ đã lỗi thời, một từ mới lại được thêm vào từ điển 2 giờ 1 lần, đủ sức để diễn đạt trong bất cứ loại hình văn bản hay hoàn cảnh giao tiếp nào. Tiếng Anh ngày nay được xem như phương tiện hữu hiệu để trao đổi tri thức giữa các nền văn minh.
2. NÉT ĐẸP NGÔN NGỮ ANH
Ngôn ngữ vốn không được xem như một bộ môn nghệ thuật, nó thiên về khoa học hơn. Nhưng nó vẫn có những nét đẹp riêng khiến người ta yêu mến. Nét đẹp của ngôn ngữ nằm trong từng con chữ, âm điệu, ẩn chứa văn hóa quốc gia, vùng miền. Tiếng Anh có vẻ đẹp của sự phóng khoáng, giản dị nhưng trọn vẹn. Cảm nhận được vẻ đẹp của tiếng Anh, bạn sẽ hun đúc cho mình niềm đam mê khám phá ngôn ngữ.
3. HỌC TIẾNG ANH SAO CHO HIỆU QUẢ
Bạn biện bạch rằng mình không có khiếu ngoại ngữ. Nhưng thật ra, giỏi tiếng Anh không phải là nhiệm vụ bất khả thi, bởi thử tưởng tượng xem, bạn sinh ra trên đất Mỹ thì bạn sẽ giỏi tiếng Anh như người Việt giỏi tiếng Việt thôi. Nếu bạn may mắn có trí thông minh ngôn ngữ thì bạn sẽ tiếp cận ngoại ngữ dễ dàng hơn. Nhưng đó chỉ là bước đầu, điều kiện tiên quyết để bạn chinh phục ngọn núi tri thức là sự bài bản và siêng năng. Bạn cần 10.000 tiếng đồng hồ và sự trau dồi, luyện tập hàng ngày và vượt khó để tiếng Anh thấm vào trong máu bạn một cách tự nhiên nhất.
Bạn biện hộ rằng mình không có đam mê. Vậy thì hãy tạo ra nó, xem Tiếng Anh nhẹ nhàng như ăn một món ăyêu thích. Cố gắng nắm vững ngữ pháp căn bản, bạn sẽ cảm thấy tự tin, thích thú khi những cánh cửa tương lai dần mở ra cho mình nhờ chiếc chìa khóa vạn năng. Hãy tưởng tượng viễn cảnh tươi sáng khi bạn giỏi tiếng Anh, bạn sẽ tiếp cận và kết nối với thế giới mới rộng lớn dễ dàng như thế nào.
4. HỌC TIẾNG ANH ĐỂ LÀM GÌ
Thời đại ngày nay, tiếng Anh không còn là điều gì quá xa xôi, mang nặng tính học thuật, nó thật sự đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Đơn giản thế này, bạn mua một món đồ mới không có chữ Tiếng Việt nào trên nhãn, bạn cần tiếng Anh để biết về thành phần, cách sử dụng sản phẩm đó. Bạn đang cần tìm một thông tin quan trọng nhưng báo Việt chưa có người viết, bạn cần tiếng Anh Bạn du lịch tại một đất nước Âu Mỹ, bạn cần tiếng Anh. Bởi bạn có thể rơi vào một tình huống không mong muốn như lạc đường, mất visa, bị trộm cắp… Bạn đến một đất nước không nói tiếng Anh, bạn dùng tiếng Anh như một ngôn ngữ trung gian để giao tiếp
Trong công việc, bạn muốn sử dụng thành thạo các công cụ văn phòng căn bản như Word, Excel, Powerpoint,…bạn cần tiếng Anh. Tất cả các phần mềm này đều cài đặt tiếng Anh, bản Tiếng Việt có nhưng bị hạn chế và dịch không chuẩn xác. Một số ứng dụng mới và nâng cao còn chưa (hoặc không) tích hợp Tiếng Việt
Bạn muốn có cơ hội thăng tiến nghề nghiệp hay làm việc ở các công ty nước ngoài, bạn cần tiếng Anh. Bởi bạn cần viết được email nước ngoài, giao dịch với đối tác quốc tế, đọc được những tài liệu tiếng Anh để nâng cao vốn tri thức ngành,…
5. TIẾNG ANH CÓ LỖI THỜI
Bạn lo sợ tiếng anh sẽ trở nên lỗi thời, một ngôn ngữ khác sẽ thay thế tiếng Anh trở thành ngôn ngữ quốc tế. Điều đó có thể xảy ra, vì thế giới biến chuyển không ngừng, vị thế của các nước nói tiếng Anh có thể không còn như trước, các cường quốc châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,… có thể vươn lên phủ sóng ngôn ngữ của họ. Nhưng bạn đừng lo lắng, một cuộc chuyển giao lịch sử như vậy không thể xảy ra một sớm một chiều, những thứ có nền móng vững chắc không dễ dàng bị đạp đổ. Giống như sự thâm nhập văn hóa, sự thay máu ngôn ngữ phải được diễn ra từ từ bởi tiếng Anh bây giờ đã thâm nhập rất sâu vào đời sống xã hội, kinh tế, chính trị,…trong các loại hình văn bản, phần mềm… nên bắt buộc mọi người học một ngôn ngữ mới không phải là điều đơn giản.