Hôm nay là ngày đầu tiên của Kỳ thi THPT Quốc gia 2021—một kỳ thi quan trọng với hàng trăm ngàn bạn trẻ Việt Nam. Cũng bởi tầm ảnh hưởng của kỳ thi này, mấy tháng gần đây tôi nhận được rất nhiều email và tin nhắn của các bạn hỏi về học ôn thi, chọn ngành, chọn trường… Cùng với đó là những băn khoăn của các bạn mới ra trường và đang tìm việc hoặc đã đi làm một vài năm nhưng vẫn cảm thấy mơ hồ với tương lai. Các bạn nhìn lại thời điểm thi THTP ngày nào với câu hỏi: “Liệu mình đã chọn ngành đúng đường?”
Bởi vậy, tôi muốn gửi đến các bạn trẻ đang đứng trước “ngã ba cuộc đời” 10 lời khuyên mà tôi ước ai đó chỉ cho mình khi còn ở độ tuổi 18-20 với nhiều lo âu, trăn trở về tương lai.
1-Dành thời gian suy nghĩ và định hướng cho tương lai của mình. Nói theo ngôn ngữ coding, các bạn trẻ hoàn toàn có thể tự “lập trình” cho tương lai của mình nếu có dữ kiện đầy đủ. Dữ kiện này có được nhờ tìm kiếm bên ngoài và đào sâu bên trong tâm hồn của mình, lắng nghe và suy nghĩ xem mình thực sự muốn gì cho tương lai. Nếu bạn chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy sử dụng mô hình (framework) định hướng đơn giản gồm 3 vòng tròn giao nhau: (1) Việc mình muốn làm (thường cũng là việc mình có năng lực làm tốt nhất), (2) Việc xã hội cần và (3) Việc đem lại thu nhập. Ráp các dữ kiện bạn tìm được vào mô hình này, bạn sẽ có cái nhìn rõ hơn về ngành nghề, trường học, hướng đi… phù hợp nhất. Nghe podcast “Framework định hướng tương lai”:
2-Khám phá để đưa ra quyết định. Rất nhiều bạn trẻ bị “kẹt” lại ở khâu quyết định: “Nên chọn trường A hay trường B?”, “Làm ngành C hay ngành D?”, “Mình có thực sự yêu thích công việc X không?”… Nhưng thực sự, cách tốt nhất để đưa ra quyết định là “thực địa”—bạn phải tận tay khám phá, thử nghiệm thì mới biết được đâu là thứ phù hợp với mình. Nếu đang băn khoăn giữa hai trường đại học/ngành học, tại sao không đến tận nơi tham quan, ngồi học thử vài buổi, nói chuyện với chính những sinh viên đang học xem thực tế là như thế nào? Nếu đang băn khoăn không biết có nên bỏ công việc hiện tại để đi làm việc sở thích, tại sao không làm việc sở thích sau giờ làm và trong ngày cuối tuần để xem mình có thực sự muốn biến thú vui thành công việc chính hay không? Đừng chỉ chắp tay sau lưng, đi tới đi lui với những lựa chọn ngành, hãy thử nghiệm và khám phá để tìm ra câu trả lời cho mình. Nghe podcast “Quyết định & Khám phá”:
3. Luôn bắt đầu với câu hỏi “Tại sao?” Rất nhiều bạn trẻ khi gặp khúc mắc thì thường chỉ lao đi kiếm tìm giải pháp—tức là câu trả lời cho câu hỏi: “Làm sao?” (ví dụ, phải làm gì để đạt được mục tiêu ABC, các bước để thực hành XYZ)—rồi vội vã làm ngay lập tức. Nhưng lại quên đi mất rằng, để có thể thực hiện được bất kỳ phương pháp nào hiệu quả và lâu dài, trước hết ta cần phải có câu trả lời rõ ràng, mạnh mẽ cho câu hỏi: “Tại sao?” và thường xuyên quay đi, trở lại với câu hỏi này. Có được một lý do mạnh mẽ (strong Why) sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần khi mất động lực và tìm được hướng đi sát nhất với mục tiêu ban đầu của mình. Đọc thêm: “Luôn bắt đầu với câu hỏi Tại sao?“
4. Hành động! Hành động! Hành động! Tuổi trẻ là thời điểm tuyệt vời nhất trong đời để tự do lăn xả, khám phá bản thân, tìm kiếm cơ hội, ném mình vào những hoàn cảnh khác nhau để học hỏi. Hãy tận dụng lợi thế này, đừng biến mình thành những “ông/bà cụ non” cả ngày thở than thời thế-thế thời mà bản thân không nhúc nhích làm bất kỳ điều gì để thay đổi cuộc đời của chính mình. Đọc thêm: “Rồi sao? What can you do about it?“
5. Điều duy nhất ta có thể làm và kiểm soát được là: Cố gắng hết mình. Con đường dẫn tới thành công luôn có nhiều khúc quanh, ngã rẽ, nhiều yếu tố bên ngoài chi phối kết quả cuối cùng. Bởi vậy, điều duy nhất ta có thể dựa vào là chính mình. Hãy tập trung làm hết sức mình và để cuộc sống quyết định phần còn lại. Một khi đã làm hết mình, ta sẽ không có gì để nuối tiếc. Đọc thêm trong: “Bốn thoả ước“
6. Học cách đối diện với thất bại. Thất bại là một phần tất yếu của cuộc sống. Đôi khi, dù đã làm hết mình nhưng kết quả trả về lại không được như ta mong muốn. Bởi vậy, học cách đối diện với thất bại, nhìn nó với một con mắt khách quan và rút ra được bài học hữu chính là tư duy của người thành công. Nghe thêm trên podcast “Khi đối diện với thất bại”:
7. Tập nhìn nỗi buồn với tâm thế của tương lai. Khi còn trẻ ta thường nghĩ rằng chuyện xảy ra với mình là to tát lắm, mãi mãi không thể quên được, không thể vượt qua được. Nhưng dần lớn lên, trải nghiệm nhiều hơn, ta nhìn lại và nhận ra chuyện ngày xưa chỉ như một dấu chấm nhỏ trên bức tranh cuộc đời, không có gì đáng phải vật vã, đau khổ, lo âu vì nó đến thế. Vì thế, nếu có thể tập nhìn nỗi buồn hiện tại bằng tâm thế của tương lai (tưởng tượng mình sẽ như thế nào 3 năm, 5 năm nữa), ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, bình tâm hơn. Nghe podcast “Thu nhỏ lại quá khứ”:
8. Hiểu rằng tìm việc là cả một cuộc hành trình. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ai cũng hy vọng mình ra trường và tìm ngay được công việc trong mơ (dream job)—một vị trí mà mình sẽ thích ngay từ đầu, gắn bó lâu dài và không phải chuyển đổi, tìm việc thêm nữa. Nhưng sự thực, đối với đa phần mọi người, con đường dẫn đến công việc trong mơ có rất nhiều “đường ngang, ngõ tắt”; đôi khi, bạn cần làm những ngành mình chưa thực sự thích để học hỏi, chuẩn bị bản thân và làm bàn đạp tìm đến công việc mình thực sự muốn làm. Bởi vậy, nếu bạn gặp khó khăn, đừng bỏ cuộc, bạn không thất bại—bạn chỉ đang đi cuộc hành trình của mình thôi. Đọc thêm “Ba lần xin việc thành công tại Mỹ & Những bài học“
9. “Ăn mừng” với những thành công nhỏ. Với những người trẻ cầu tiến, việc có nhiều đam mê, hoài bão giúp ta nỗ lực hơn cho tương lai. Tuy nhiên, nếu không dừng lại một nhịp để “ăn mừng” (celebrate) những thành công nhỏ (small wins) của mình, ta sẽ không trân trọng những cột mốc mình đã đi qua và ý thức hơn về hành trình của mình.
Bản thân tôi vốn là người ít khi chia sẻ thành công và đặt áp lực cao cho mình. Chính điều này khiến cho thành công thường mang đến cho tôi cảm giác “trống rỗng” thay vì vui vẻ, hân hoan. Những năm gần đây, tôi cố gắng thay đổi điều này bằng cách chia sẻ nhiều hơn thành công của mình một cách khiêm tốn và chân thành tới những người đã góp phần tạo nên thành quả đó.
10. Trân trọng giá trị của bản thân: Ai trong chúng ta cũng cần rèn dũa hàng ngày để hoàn thiện mình hơn, để trở thành “phiên bản tốt nhất của chính mình” — nhưng trước hết, mình phải là chính mình trước. Chỉ khi nắm được bản thân mình là ai, học được cách phát huy điểm mạnh từ chính những điểm yếu của mình, ta mới có thể phát triển bản thân và tạo ra những thay đổi bền vững, tự tin, mạnh mẽ nhất.